Chương trình Hệ Thông Thông Tin Quản Lý đạt kiểm định ABET CAC
Hai chương trình này đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định quốc tế ABET của Mỹ vào ngày 27-8-2019 dựa trên kết quả của chuyến thăm kiểm định năm ngoái từ ngày 28 đến 30-10-2018.
Theo đó, ĐH Duy Tân trở thành trường đại học thứ 2 của Việt Nam có các chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET, sau Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM (2014), và là cơ sở giáo dục thứ 3 của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định này nếu tính cả Trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (2018).
Các chuyên gia đánh giá ABET trong buổi làm việc tại Trường ĐH Duy Tân
Kiểm định quốc gia và quốc tế đang trở thành xu hướng của các trường đại học Việt Nam hiện nay nhằm đảm bảo cho sinh viên được học tập với những chương trình đào tạo đạt chuẩn, chất lượng và tiên tiến nhất. Trong số rất nhiều đơn vị, tổ chức thực hiện công tác kiểm định ngoài và độc lập, ABET thường được xem là tổ chức kiểm định uy tín nhất thế giới cho các chương trình kỹ thuật và công nghệ.
ABET được thành lập năm 1932 với 4 Ủy ban kiểm định gồm: Ủy ban khoa học ứng dụng (ASAC), Ủy ban khoa học điện toán (CAC), Ủy ban kỹ thuật (EAC) và Ủy ban công nghệ (TAC).
Các thành viên thuộc 4 ủy ban này đến từ 35 hiệp hội nghề nghiệp uy tín của Mỹ như: ASHRAE, SPE, SME… với hơn 2.200 tình nguyện viên là các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nhân hàng đầu trên toàn thế giới. Hiện tại, đã có 4.005 chương trình đào tạo thuộc 793 trường đại học và cao đẳng ở 32 quốc gia được kiểm định ABET.
Nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới đã tham gia kiểm định ABET cho các chương trình đào tạo như: ĐH Khoa học ứng dụng (Áo); ĐH khoa học và công nghệ Mody (Ấn Độ); ĐH AMA(Philippines); hay các trường đại học kỹ thuật nổi tiếng của Mỹ như: Học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT), Đại học California ở Berkeley (UCB), ĐH Carnegie Mellon (CMU), ĐH Johns Hopkins, ĐH Duke...
Hệ thống máy tính hiện đại tại ĐH Duy Tân
Sau thời gian làm việc nghiêm túc và khách quan, tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ - ABET đã chính thức công nhận 2 chương trình đào tạo gồm: kỹ thuật mạng, hệ thống thông tin quản lý của ĐH Duy Tân đã đạt chuẩn kiểm định ABETvới mức kiểm định cao nhất là 6 năm, tính đến ngày 30-9-2025.
Đặc biệt, ngay ở thời điểm kết thúc chuyến thăm kiểm định vào tháng 10-2018, chương trình kỹ thuật mạng của nhà trường đã đạt mọi yêu cầu kiểm định ABET, trong khi chương trình hệ thống thông tin quản lý cần thêm một ít thời gian để khắc phục một số thiếu sót không đáng kể.
Cả 2 chương trình đào tạo, tính đến thời điểm này, đều đã đáp ứng 100% các yêu cầu của các tiêu chí kiểm định của Ủy ban khoa học điện toán(CAC), ABET. Để đạt được kết quả này, ĐH Duy Tân đã dành thời gian lên tới hơn 6 năm để xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, hợp tác quốc tế nâng cao chất lượng đào tạo, và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học được diễn ra một cách thuận lợi và chất lượng nhất.
Hệ thống máy tính hiện đại tại ĐH Duy Tân
TS Lê Nguyên Bảo - Hiệu trưởng ĐH Duy Tân, cho biết: "Cùng với nghiên cứu khoa học, ĐH Duy Tân cũng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo qua việc đạt được nhiều chuẩn kiểm định quốc gia và quốc tế. Đạt được chuẩn kiểm định ABET vào đúng dịp ĐH Duy Tân kỷ niệm 25 năm thành lập trường sẽ là cột mốc để nhà trường tiếp tục nỗ lực trên mọi công tác nhằm nâng cao chất lượng dạy và học".
TS Trần Nhật Tân - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng, Đại học Duy Tân cho biết thêm: "Điều này là vô cùng thuận lợi để triển khai các chương trình tuyển sinh viên nước ngoài, trao đổi sinh viên và giảng viên giữa ĐH Duy Tân với các trường đại học trên thế giới.
Không ít thì nhiều, từ đây có thể khẳng định Duy Tân là một đơn vị đào tạo kỹ thuật và công nghệ thông tin có chất lượng của Việt Nam cũng như trong khu vực, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI đặt tại Việt Nam và các nước sở tại".
Anh hùng lao động, nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Duy Tân, cho biết trường sẽ tiếp tục kiểm định ABET cho các chương trình kỹ thuật và công nghệ khác của nhà trường từ năm nay cũng như trong các năm đến.