Workshop Truyền Cảm Hứng: “Understanding The Concept Of Regenerative Architecture And Design” – Mở ra tư duy kiến trúc bền vững tương lai


Workshop Truyền Cảm Hứng: “Understanding The Concept Of Regenerative Architecture And Design” – Mở ra tư duy kiến trúc bền vững tương lai

Ngày 16/04/2025, tại Hội Trường 105, Tòa nhà G – Hòa Khánh Nam, một buổi workshop đặc biệt với chủ đề “Understanding the Concept of Regenerative Architecture and Design” đã diễn ra thành công, mang đến không gian học thuật đầy cảm hứng và sáng tạo dành cho giảng viên, sinh viên ngành Kiến trúc.

 

Sự kiện do Khoa Đào tạo Quốc tế, Đại học Duy Tân chủ trì, dưới sự dẫn dắt của TS. Trần Văn Đức – Phó Khoa Đào tạo Quốc tế và TS. Trần Hoài Nam – Trưởng Bộ Môn CSU, đã quy tụ đông đảo sự tham gia của giảng viên và sinh viên đến từ chương trình Kiến trúc CSU (thuộc Khoa Đào tạo Quốc tế)Khoa Kiến trúc – Trường Kỹ thuật & Công nghệ.

 

Điểm nhấn nổi bật của chương trình chính là phần chia sẻ chuyên sâu đến từ diễn giả Mr. LEE Knowles, kiến trúc sư cấp cao đến từ Công ty TNHH HUNI Việt Nam (HUNI Architectes) – đơn vị uy tín với nhiều dự án kiến trúc mang tính biểu tượng tại Việt Nam và quốc tế.

 

 

 

Ông Lee Knowles hiện là Interior Development Manager tại HUNI Architectes Việt Nam – một trong những công ty kiến trúc danh tiếng với các dự án đẳng cấp trải dài khắp châu Á và Trung Đông. Sinh ra tại Vương quốc Anh và được đào tạo bài bản tại Đại học De Montfort – Leicester, ông sở hữu hơn 25 năm kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc – nội thất, đặc biệt trong các dự án khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm thương mại và công trình văn hóa quy mô lớn. Sự nghiệp của ông trải rộng qua hơn 12 quốc gia với các vị trí công tác chiến lược như Design Director tại Landmark 81 – tòa nhà cao nhất Việt Nam, Senior Interior Designer cho dự án King Abdulaziz Center for World Culture (Ả Rập Xê Út), biểu tượng văn hóa hàng đầu khu vực, Project Lead tại hàng loạt dự án nghỉ dưỡng đẳng cấp như Mövenpick Resort Phú Quốc, Hoiana Suncity, Amor Resort, Tuyền Sơn Complex (Quy Nhơn), và nhiều công trình trọng điểm tại Hội An, Đà Nẵng. 

 

Trong buổi workshop, ông LEE Knowles đã truyền tải một cách sâu sắc và cuốn hút về khái niệm kiến trúc tái tạo (regenerative architecture) – một xu hướng thiết kế mới, tiên phong trong việc đưa yếu tố bền vững, sinh thái và tái sinh môi trường vào trong từng công trình. Khác với kiến trúc bền vững đơn thuần, kiến trúc tái tạo không chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu tác động tiêu cực, mà còn tích cực phục hồi hệ sinh thái, tái tạo tài nguyên và cải thiện chất lượng sống của con người.

 

 

Với phong cách trình bày giàu hình ảnh, dẫn chứng từ thực tế và kinh nghiệm triển khai các dự án xanh tại nhiều quốc gia, ông LEE Knowles đã giúp người tham dự hình dung rõ nét hành trình từ ý tưởng đến giải pháp thiết kế trong một công trình tái tạo. Những trao đổi trực tiếp, thảo luận nhóm, và phần hỏi đáp sôi nổi giữa diễn giả và sinh viên càng làm tăng thêm sự hứng khởi và hiểu biết sâu sắc cho người tham dự. Bên cạnh các vai trò kỹ thuật, ông cũng là người truyền lửa đích thực, thường xuyên tham gia các hội thảo, seminar, mentor cho các nhóm thiết kế trẻ tại Việt Nam và khu vực. Việc ông đến và chia sẻ tại Đại học Duy Tân là một cơ hội quý giá để sinh viên kiến trúc được tiếp cận thực tiễn nghề nghiệp đỉnh cao, cũng như học hỏi cách tư duy toàn cầu và sáng tạo có trách nhiệm.

 

 

Buổi workshop không chỉ là cơ hội học hỏi, mà còn là nhịp cầu kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa tư duy thiết kế hiện đại và trách nhiệm với môi trường. Qua đó, khơi gợi niềm đam mê và mở rộng tầm nhìn cho thế hệ kiến trúc sư trẻ – những người sẽ tạo nên diện mạo đô thị trong tương lai.

Khoa Đào tạo Quốc tế - Đại học Duy Tân cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng sinh viên trong việc tổ chức các hoạt động học thuật chất lượng cao, kết nối với chuyên gia hàng đầu, nhằm trang bị nền tảng kiến thức vững chắc và tư duy thiết kế toàn cầu cho sinh viên kiến trúc trong thời đại mới.

Một số hình ảnh của buổi Workshop:

Ger-Tran