Hơi thở thiên nhiên trong mỗi công trình - Giếng trời
Không đơn thuần là một hình thức của cảnh quan sân vườn, việc đưa thiên nhiên vào bên trong công trình đã trở thành một xu hướng trong thiết kế kiến trúc hiện đại. Các nhà thiết kế luôn tìm cách kết hợp giữa công trình và mảng xanh một cách tự nhiên nhất, không cần tách biệt giữa nơi sinh hoạt và sân vườn, mà thông qua những không gian sẵn có như giếng trời công trình cho việc hình thành những góc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Ngược dòng lịch sử kiến trúc
Xuất hiện từ hàng ngàn năm trước, gần như ở mọi nền văn minh từ Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản… giếng trời là một cấu trúc bên trên trần nhà, có tác dụng thông gió và lấy ánh sáng ban ngày cho không gian bên trong công trình. Ở thời kỳ La Mã cổ đại, điển hình như đền Pantheon và một số kiến trúc khác, giếng trời được gọi là Compluvium, có cấu tạo mở hoàn toàn để lấy ánh sáng và hứng nước mưa vào một cấu trúc bên dưới đáy gọi là Impluvium. Vài giếng trời được nới rộng hơn đã hình thành dạng “sân trong”, là trung gian kết nối giữa các khối nhà lớn.
Các giếng trời có mái che bằng kính lần đầu xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 15 ở Pháp và Tây Ban Nha, được tìm thấy ở các nhà thờ và cung điện dưới hình thức kính lấy sáng trên các mái vòm. Vào thời kỳ cách mạng công nghiệp – khi mà kỹ thuật sản xuất kính đạt được những tiến bộ vượt bậc thì giếng trời bằng kính to bắt đầu trở nên phổ biến và có mặt ở cả các công trình nhà tư nhân. Chúng dần được cải tiến, sử dụng nhiều kết cấu vật liệu đi kèm để chống sự rò rỉ hay dột mưa từ mái nhà. Không đơn thuần là lấy sáng và thông gió, ngày nay giếng trời được ứng dụng với nhiều chức năng và hoàn cảnh khác nhau, đồng thời được chia làm rất nhiều hình thức như cửa sổ mái, giếng trời cố định, giếng trời đóng mở, và thậm chí là cấu trúc riêng lẻ như vòm ống dẫn sáng…
Mặc dù có nhiều tên gọi, định nghĩa và cách phân loại khác nhau nhưng giếng trời luôn được xem là giải pháp kiến trúc cực kỳ hữu ích, đặc biệt với nhà ở thì đây luôn là một phương án hoàn hảo và thông minh cho những căn hộ tìm kiếm hơi thở thiên nhiên trong chính không gian công trình.
Những khu vườn giếng trời trên thế giới
Bằng việc sử dụng ánh sáng tự nhiên từ trên cao, thậm chí tận dụng nguồn gió và nước mưa với các giếng trời linh động đóng mở, lựa chọn bố trí mảng xanh ở khu vực này là hoàn toàn hợp lý và tiết kiệm năng lượng. Cũng như các góc thiên nhiên khác, cây cối không chỉ cung cấp nguồn sinh khí tốt lành, giúp thư giãn và giải tỏa tinh thần mà còn triệt để giải quyết vấn đề thẩm mỹ cho giếng trời – một không gian kiến trúc về cơ bản là để trống.
Trong kiến trúc châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, những khu vườn giếng trời đa phần là mở, hiếm khi có mái che và thường là mắc xích liên kết giữa nhiều không gian xung quanh. Giếng trời lúc này trở thành trung tâm chính giữa của cả công trình, xoay quanh là các khối nhà chính, có xuất phát từ triết lý Đông Á về sự cân bằng và hài hòa. Ở Trung Quốc, khi giếng trời có diện tích lớn, người ta sẽ gọi bằng “sân trời”, tại đây thường có giếng nước, trồng cây cối, để chậu kiểng, là nơi sinh hoạt giặt giũ, phơi phóng cũng như diễn ra các hoạt động gặp gỡ trò chuyện của gia đình. Giếng trời trong kiến trúc Nhật Bản – “Tsuboniwa” lại thuần về sự kết nối giữa con người và tự nhiên khi gần như mặc định là khu vực bố trí sân vườn. Đó có thể là khoảng không mang hơi thở truyền thống cùng đèn đá, cây xanh và bể nước, hay một khu vườn Zen đậm chất thiền cùng nghệ thuật sắp đặt đá sỏi và bon sai.
Từ lâu vườn giếng trời trở thành một yếu tố cực kỳ phổ biến trong các thiết kế công trình công cộng hay nhà dân dụng tại châu Âu. Tạo một khu vườn bên dưới giếng trời thực sự đã là lựa chọn của hầu hết các kiến trúc sư. Thường gọi là “Skylight”, “Skygarden” hoặc “lightwell”, những khu vực giếng trời được phủ xanh mang đến sự giao thoa hoàn hảo giữa kiến trúc và thiên nhiên, đồng thời cũng là cách tiếp cận sáng tạo và bền vững trong việc tạo lập không gian sống.
Trong các thiết kế hiện đại, những khoảng vườn mở đón nắng nằm giữa các công trình thật sự là những góc cực kỳ đắt giá về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Không phải ngẫu nhiên mà những công trình kiến trúc nhà ở nổi tiếng trên các mặt báo luôn được bố trí một hoặc nhiều khu vườn giếng trời, và đôi khi kết hợp cùng với cầu thang thông giữa các tầng tạo ra một không gian di chuyển theo chiều dọc đầy nghệ thuật. Nó phản ánh “tư duy xanh” đầy tân tiến của kiến trúc thế giới khi mang hơi thở thiên nhiên vào từng ngóc ngách công trình. Đồng thời vì những khoảng giếng trời luôn xuất hiện ở những không gian có tính “kết nối” như phòng khách, nhà ăn hay những phòng sinh hoạt chung, nên những ngôi nhà có vườn trong giếng trời luôn mang đến cảm giác hàn gắn và liên kết mạnh mẽ giữa mỗi thành viên trong gia đình.
Từ lịch sử xa xưa đến thời kỳ hiện đại, ở phương Đông hay phương Tây, từ các công trình dân dụng đến các tòa nhà công cộng, những khu vườn giếng trời đã trở thành một phần đặc biệt phổ biến trong kiến trúc thế giới, là “dấu gạch nối nhỏ bé” nhưng rất mực quan trọng giữa con người – công trình và tự nhiên. Từ đó khẳng định một không gian sống giao hòa cùng cây xanh không chỉ là một xu hướng, mà còn là sự phát triển bền vững tất yếu của kiến trúc và cảnh quan thế giới.