Chủ nghĩa Công năng và nguy cơ mai một giá trị văn hoá - xã hội trong kiến trúc


Trong bối cảnh kiến trúc bền vững ngày càng phổ biến, các hệ thống đánh giá xanh đang dần chi phối cách thiết kế công trình. Khi quá tập trung vào chức năng và kỹ thuật, kiến trúc dần trở nên khô khan, mất đi tính nhân văn và ý nghĩa văn hóa. Bài viết này thể hiện góc nhìn của Eisenman, Jencks và Venturi về mối quan hệ giữa hình thức và chức năng, nhằm tìm kiếm hướng tiếp cận cân bằng hơn cho kiến trúc đương đại. 

Trong báo cáo được công bố năm 1987, Ủy ban Brundtland đã đưa ra một định nghĩa mới về phát triển bền vững: “...là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Dù lúc đầu chưa được chú ý nhiều, nhưng về sau định nghĩa này đã trở thành nền tảng quan trọng, giúp khái niệm bền vững lan rộng và ảnh hưởng sâu sắc, đặc biệt là trong quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc.

Kể từ thời điểm mang tính bước ngoặt đó, con người nhận ra rằng những gì mình làm đã vượt quá khả năng chịu đựng của Trái đất, dẫn đến “Khủng hoảng Bền vững”. Sự cấp bách của thời kỳ này là cần phải cố gắng làm chậm và khắc phục tình trạng suy thoái môi trường trong hầu hết các lĩnh vực – đặc biệt là trong kiến trúc và xây dựng.

Ngành kiến trúc hiện đang bị giám sát và đánh giá rất chặt chẽ vì ảnh hưởng lớn đến môi trường. Nghiên cứu cho thấy, các công trình xây dựng sử dụng tới 32% tổng tài nguyên trên thế giới, trong đó có 12% lượng nước ngọt và gần 40% năng lượng tiêu thụ toàn cầu. Đồng thời, khoảng 40% lượng rác thải cũng đến từ các công trình này, và chúng còn thải ra môi trường khoảng 40% lượng khí thải độc hại.

Những con số đáng báo động trên đã thúc đẩy sự ra đời của một bộ quy tắc mới dành cho các ngành nghề liên quan đến xây dựng. Việc áp dụng các hệ thống đánh giá xanh giúp đo lường tính bền vững của công trình, là bước đi đúng đắn khi ngành xây dựng cần có trách nhiệm với môi trường. Tuy nhiên, khi mọi thứ cần tuân theo những bảng tiêu chí cứng nhắc, yếu tố văn hóa trong thiết kế dễ bị bỏ qua, và điều đó khiến các công trình ngày càng trở nên lạnh lẽo, thiếu tính nhân văn. Điều này vô tình đưa kiến trúc quay trở lại với tư duy chức năng thuần túy của thế kỷ 20 – một đặc trưng tiêu biểu của thời kỳ kiến trúc Hiện đại.

Lloyd’s Building (1978-1986), London - Điển hình của Kiến trúc Hiện đại

Những năm cuối thập niên 1970 - đầu thập niên 1980, Chủ nghĩa Hiện đại vẫn giữ vị thế quan trọng trong kiến trúc và nghệ thuật. Khi đó, kiến trúc chạy theo lý tưởng chức năng, còn yếu tố văn hóa và xã hội trong thiết kế gần như bị bỏ qua. Tuy nhiên, xu hướng này bắt đầu thay đổi khi phong trào Hậu Hiện đại ra đời. Các kiến trúc sư Hậu Hiện đại muốn bác bỏ nguyên tắc “hình thức theo chức năng”, đồng thời phê phán sự khô khan, áp đặt và thiếu tính nhân văn trong Chủ nghĩa Hiện đại. 

Ngày nay, kiến trúc hiện đại cũng đang đối mặt với nguy cơ rơi lại vào lối mòn lúc đó, đặc biệt là khi phải dựa vào các hệ thống đánh giá xanh. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là tìm cách cân bằng lại giữa hình thức và chức năng trong thiết kế kiến trúc. Để thay đổi tình hình, ta cần xem xét giai đoạn chuyển tiếp khi Chủ nghĩa Hiện đại kết thúc và Chủ nghĩa Hậu Hiện đại bắt đầu. 

Phản ứng chống lại tư tưởng chức năng của Chủ nghĩa Hiện đại bắt đầu mạnh mẽ từ những năm 1970. Các nhà phê bình đã đặt câu hỏi về tính hợp lý của các lý tưởng hiện đại trong kiến trúc. Một trong số đó là Peter Eisenman, người đã viết bài “Hậu chức năng” năm 1976, trong đó ông phân tích kỹ lưỡng về Chủ nghĩa Hiện đại và định nghĩa “hậu chức năng” như một hướng phát triển mới cho kiến trúc.

Peter Eisenman - kiến trúc sư, lý thuyết gia và nhà phê bình kiến trúc nổi tiếng người Mỹ

Bài viết của Eisenman tập trung phân tích hai sự kiện quan trọng: triển lãm “Architettura Razionale” ở Milan năm 1973 và triển lãm “École des Beaux Arts” tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại năm 1975. Cả hai đều phê phán chủ nghĩa chức năng và tìm cách tạo ra kiến trúc “thuần khiết”, nhưng giải pháp của mỗi bên lại khác nhau hoàn toàn. 

Theo đó, triển lãm ở Milan cho rằng kiến trúc phải trở về với bản chất độc lập và thuần khiết của nó, tức là không dựa trên bất cứ hình mẫu có sẵn nào. Còn triển lãm tại MoMA thì tin rằng tương lai của kiến trúc nằm trong quá khứ, tức là phải dựa trên những hình ảnh hay mẫu có sẵn từ trước. Eisenman dùng những quan sát này để chỉ ra hai cách tiếp cận khác nhau trong phong trào “hậu chức năng” nhằm giải quyết sự mất cân bằng giữa hình thức và chức năng ở thời kỳ đó.

Sau khi làm rõ sự khác biệt, Eisenman tập trung vào “vấn đề” của Chủ nghĩa Hiện đại, cho rằng nó đã làm mất đi “kiểu hình” và thay vào đó tập trung nhiều hơn vào chức năng, khiến công trình ngày càng tách rời khỏi con người. Ông cũng nhấn mạnh rằng kiến trúc mang tính nhân văn thật sự cần quan tâm đồng đều cả về hình thức lẫn chức năng. Giải pháp của Eisenman không phải là xem hình thức và chức năng như hai điều đối lập, mà là tìm cách cân bằng phù hợp giữa chúng.

Trong bài luận tựa đề The End of the Classical: the End of the Beginning, the End of the End năm 1984 của mình, Eisenman nhìn nhận lại chủ nghĩa chức năng và cho rằng nó thực chất chỉ là một phong cách khác, một kiểu “mô phỏng sự hiệu quả” chứ không thực sự hiệu quả. Ông cũng phê phán tư duy kiến trúc quá thiên về chức năng, và cho rằng: “...hình thức kiến trúc nên là nơi của sự sáng tạo, chứ không chỉ là kết quả phục tùng chức năng. Nếu muốn kiến trúc có ý nghĩa thật sự, nó phải vượt ra khỏi sự lập trình sẵn”. Nói cách khác, Eisenman kêu gọi giải phóng kiến trúc khỏi những ràng buộc quá cứng nhắc, để kiến trúc có thể trở thành nơi khơi nguồn cảm hứng và sáng tạo thực sự.

Hệ thống đánh giá đưa ra danh sách các vật liệu và cách thi công được chấp nhận,  nghĩa là kiểu dáng và vật liệu của dự án đã được quyết định trước khi bắt đầu thiết kế. Vì mục tiêu bền vững, hệ thống này khuyến khích thiết kế và xây dựng theo hướng tối giản, nhưng điều này lại hạn chế sự sáng tạo, văn hóa và tính nhân văn. Kết quả là kiến trúc thường chỉ mang tính thực dụng, thiếu chiều sâu.

Trong bài viết của mình, Eisenman đề xuất rằng để cân bằng giữa hình thức và chức năng, kiến trúc cần phản ánh những giá trị có ý nghĩa với xã hội. Để làm được điều đó, chúng ta cần biết cách thay đổi và phát triển các kiểu dáng kiến trúc quen thuộc một cách hợp lý, thay vì chỉ lặp lại hay áp dụng máy móc.

Quan điểm này cũng được Charles A. Jencks chia sẻ trong bài viết năm 1977 về kiến trúc Hậu Hiện đại. Ông nhận thấy kiến trúc phương Tây đang mất cân bằng giữa hình thức và chức năng, nhưng vẫn có thể tìm lại được. Ông lấy ví dụ khách sạn Tokoen của kiến trúc sư Nhật Bản Kiyonori Kikutake: “Các phòng trên cao kết hợp sử dụng tatami truyền thống với thiết kế hiện đại; còn nhà hàng tầng mái được bao phủ bởi mái cong nhẹ, vừa gợi lại hình ảnh kiến trúc truyền thống, vừa mang đường nét hình học hiện đại. Hai hệ kết cấu và hai phong cách thẩm mỹ khác biệt này tạo nên sự sinh động – điều mà kiến trúc hiện đại phương Tây còn chưa đạt được”.

Cân bằng hình thức và chức năng bằng cách lồng ghép những hình ảnh gợi nhớ đến văn hóa, xã hội hoặc môi trường quen thuộc với con người giúp kiến trúc trở nên gần gũi và có chiều sâu hơn. Jencks cũng cho rằng việc Nhật Bản gìn giữ truyền thống và không chạy theo các trào lưu cải cách quá cực đoan đã góp phần giúp kiến trúc nước này giữ được sự hài hòa giữa yếu tố công năng và giá trị nhân văn.

Charles A. Jencks (1939–2019) - người định hình và phổ biến khái niệm "Kiến trúc Hậu Hiện đại"

Nhìn ở góc độ rộng hơn, Robert Venturi trong cuốn Learning from Las Vegas năm 1977 cho rằng các thành phố đều đề cao thông điệp về chức năng, biểu tượng và sức ảnh hưởng đến con người. Nhưng việc tiêu chuẩn hóa kiểu dáng trong kiến trúc hiện đại, tập trung vào chức năng và sự đơn giản đang làm mất đi những cách thức giao tiếp quan trọng đó.

Để phê phán sự khô khan và đơn điệu của Chủ nghĩa Hiện đại, Venturi đã sáng tạo ra câu nói nổi tiếng “Less is a bore” (Ít là nhàm chán), như một cách chơi chữ với câu “Less is more” (Ít là nhiều) của Mies Van Der Rohe. Theo Venturi, quan điểm “Less is more” thật ra đang né tránh sự phức tạp và dùng sự đơn giản làm cái cớ để loại bỏ những yếu tố biểu đạt ý nghĩa trong kiến trúc.

Theo cách nghĩ đó, kiến trúc rất phức tạp và không thể áp dụng một công thức chung cho mọi công trình. Các tòa nhà như văn phòng, nhà máy sẽ phù hợp với thiết kế theo hệ thống đánh giá xanh, còn những công trình văn hóa quan trọng như bảo tàng, trường đại học thì nên quay lại với kiến trúc nhân văn, có chiều sâu và có tính biểu tượng. Điều này đồng nghĩa với việc cần có sự linh hoạt hơn, không bị ràng buộc quá nghiêm ngặt bởi các quy chuẩn xanh, để kiến trúc có thể truyền cảm hứng hơn.

“Khủng hoảng bền vững” là vấn đề lớn của thế kỷ 21, và kiến trúc cần chịu trách nhiệm về môi trường. Tuy nhiên, khi quá tập trung vào bền vững, kiến trúc lại dễ rơi vào lối mòn chỉ chú trọng chức năng, bỏ qua yếu tố nhân văn. Thách thức hiện nay là làm sao cân bằng được giữa hình thức và chức năng trong kiến trúc hiện đại, mà vẫn chú trọng đến tính bền vững.

Một điểm chung trong cả ba bài viết là: phong trào Hiện đại đã làm mất đi ý nghĩa của “kiểu hình” trong kiến trúc, kéo theo sự suy giảm yếu tố nhân văn trong thiết kế – điều này cũng dễ thấy ở nhiều công trình kiến trúc “bền vững” ngày nay. Từ đó, các tác giả đưa ra những hướng tiếp cận khác nhau để giải quyết mâu thuẫn giữa hình thức và chức năng trong kiến trúc.

Eisenman cho rằng kiến trúc cần gắn với đời sống xã hội, thay đổi và phát triển các kiểu dáng truyền thống một cách hợp lý. Jencks đề xuất rằng kiến trúc nên cho phép yếu tố văn hóa - xã hội được duy trì và phát triển, thay vì bị gò ép bởi những trào lưu cách tân quá cực đoan. Còn Venturi thì nhấn mạnh rằng kiến trúc cần thể hiện đúng bản chất công trình, đồng thời đề cao, tôn trọng các biểu tượng có giá trị như tôn giáo, văn hóa hay dấu ấn quốc gia.

Robert Venturi (1925–2018) kêu gọi kiến trúc nên phức tạp, giàu tính biểu tượng, gần gũi với văn hóa đại chúng

Cả ba đều đồng tình rằng vấn đề của kiến trúc hiện đại là quá chú trọng vào chức năng dẫn đến xem nhẹ yếu tố văn hóa và xã hội. Để lấy lại sự cân bằng giữa hình thức và chức năng, kiến trúc cần quay lại với những giá trị nền tảng như lý thuyết thiết kế, tính nhân văn và chiều sâu văn hóa.

Trong số đó, quan điểm bao quát của Robert Venturi được xem là phù hợp nhất để điều chỉnh sự mất cân bằng do thiết kế theo các hệ thống đánh giá xanh. Ông cho rằng mỗi công trình cần thể hiện đúng bản chất của nó, và từ đó quyết định nên hay không nên tuân thủ hoàn toàn theo các tiêu chí bền vững.

Các hệ thống đánh giá xanh cố gắng áp dụng một khuôn mẫu chung cho kiến trúc, dựa trên những tiêu chí sẵn có về vật liệu, công nghệ và phương pháp xây dựng. Thế nhưng nếu không phân biệt sự đa dạng giữa các kiểu công trình, kiến trúc sẽ dần bị xem như một "vật thể" đơn thuần, thiếu đi tính đặc thù và chiều sâu. Mà trên thực tế, kiến trúc không chỉ phục vụ chức năng, nó còn là nơi khơi gợi cảm xúc, ký ức, khát vọng và cảm hứng. Khi quá tập trung vào tiêu chí kỹ thuật, các hệ thống đánh giá xanh có nguy cơ làm mất đi khả năng thể hiện những giá trị cảm xúc và nhân văn trong kiến trúc. Điều này dẫn đến nguy cơ mai một các công trình mang ý nghĩa xã hội và văn hóa – một lần nữa đẩy kiến trúc rơi vào vòng lặp của “tư duy chức năng” đơn điệu.