Tài chính hành vi trên thị trường chứng khoán (Phần 2)


Thiên lệch hành vi và các hiện tượng “bất thường” trên TCCK Việt Nam

Theo quan điểm của tài chính hành vi, nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung không phải lúc nào cũng hành động một cách duy lý, mà trong các quyết định của các nhà đầu tư còn bị chi phối bởi các thiên lệch hành vi. 

Thiên lệch hành vi được định nghĩa như là cách nhìn nhận, phán xét, đánh giá không đúng (error of judgement) mang tính hệ thống (Pompian, 2006). Sự không đúng ở đây hàm ý là khi so sánh với lý thuyết tài chính truyền thống, xây dựng dựa trên giả thuyết thị trường hiệu quả. 

Trong phần tiếp theo, các tác giả ứng dụng một số dạng thiên lệch hành vi đã được lý thuyết và thực tiễn tại một số quốc gia khác ghi nhận như một nỗ lực trong việc đi tìm lời giải thích một số hiện tượng, hành vi “bất thường” của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 


Đầu tư theo nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức

Một thực tế thường gặp đối với các nhà đầu tư trong nước, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ là “làm theo” các nhà đầu tư theo các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức. Hiện tượng này có thể giải thích bởi thiên lệch do tình huống điển hình (Representative Bias). 

Một trong những nghiên cứu đầu tiên về thiên lệch do tình huống điển hình được thực hiện bởi Kahneman và Tversky (1974). Họ cho rằng con người trong sự hình thành phán xét chủ quan có khuynh hướng phân loại các sự kiện như là điển hình hoặc tiêu biểu. Nó được xác định như là khuôn mẫu đáng tin cậy. Người ta đánh giá xác suất của những sự kiện trong tương lai dựa trên mức độ tương tự với một tình huống điển hình nào đó. Kinh nghiệm này có thể đưa người ta đến việc xét đoán sự thay đổi của thị trường chứng khoán theo một tình huống điển hình nào đó mà không đánh giá khả năng để chuỗi các thay đổi giá có tín hiệu giống nhau xảy ra là rất hiếm. Thiên lệch do tình huống điển hình liên kết chặt với quy luật số nhỏ (law of small numbers) khiến con người hiểu sai về quy luật số lớn, họ áp dụng quy luật số lớn cho một mẫu có số lượng nhỏ. 

Đối với thị trường non trẻ ở nước ta, dựa trên sự hơn hẳn về kinh nghiệm, kiến thức về đầu tư chứng khoán và vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức đã tạo cho nhà đầu tư cá nhân một tình huống điển hình là nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức có khả năng đánh giá đúng về sự phát triển của thị trường và việc họ quyết định mua bán phải dựa trên một lý do đáng tin cậy nào đó. Chính niềm tin này đã thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước thực hiện các hành vi đầu tư theo nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức. Hành vi bầy đàn hay tâm lý đám đông Tâm lý đám đông có thể giải thích bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể sử dụng các thiên lệch hành vi để giải thích. 

Trước tiên, đó có thể là do thiên lệch do mâu thuẫn về nhận thức (Cognitive Dissonance Bias). Sự mâu thuẫn về nhận thức là sự xung đột về nhận thức mà con người trải qua khi họ đưa ra bằng chứng để công nhận rằng niềm tin hoặc giả định của họ trước đây là sai. Thiên lệch do mâu thuẫn về nhận thức có thể được phân loại như một dạng của nỗi đau về sự hối tiếc, sự hối tiếc về những gì mình đã từng tin tưởng lại là sai. Lý thuyết Festinger (1957) đánh giá rằng con người có khuynh hướng hành động để giảm sự mâu thuẫn về nhận thức một cách không lý trí như tránh các thông tin mới hoặc khuyếch trương các lý lẽ sai nhằm duy trì niềm tin của họ. Thiên lệch do mâu thuẫn về nhận thức có thể khiến cho nhà đầu tư tiếp tục đầu tư thêm vào chứng khoán đang thua lỗ của họ để làm vững chắc thêm quyết định trước kia của mình mà không đánh giá khoản đầu tư mới này một cách khách quan, hợp lý.

Như vậy, chính thiên lệch do mâu thuẫn về nhận thức có thể khiến nhà đầu tư chạy theo tâm lý đám đông. Khi cách nhìn nhận của nhà đầu tư khác với cách nhìn nhận của đám đông, tạo ra một tình huống mâu thuẫn về nhận thức. Vì vậy, để làm giảm sự mâu thuẫn này nhà đầu tư quyết định đi theo đám đông. Nhà đầu tư thường nhận thức rằng khi đám đông nhất trí đối với một sự đánh giá nào đó, thì đám đông chắc chắn là đúng.

Cũng có thể giải thích tâm lý đám đông thông qua thiên lệch do ác cảm với hối tiếc (Regret Aversion Bias). Con người có khuynh hướng cảm nhận nỗi đau của sự hối tiếc khi phạm phải sai lầm, dù là sai lầm nhỏ. Đó là cảm giác hối hận về quyết định dẫn đến kết quả tồi tệ. Nó ảnh hướng đến việc ra quyết định của con người bởi vì để tránh nỗi đau về sự hối tiếc, người ta có thể thay đổi hành vi của họ theo những cách thức mà trong vài trường hợp được xem như là phi lý. 

Đối với một số nhà đầu tư, việc mua bán mà có sự nhất trí cao, có những nhà đầu tư khác cùng quan điểm thì họ nghĩ rằng họ có thể hạn chế khả năng họ phải hối tiếc trong tương lai. Thêm vào đó, chính yếu tố sợ phải cảm thấy hối tiếc, khi những nhà đầu tư xung quanh họ kiếm tiền một cách dễ dàng, nhanh chóng là một trong những lý do đã tạo nên một thị hiếu nhất thời (fads), một làn sóng đổ xô vào đầu tư chứng khoán, một lượng tiền lớn đã chảy vào thị trường chứng khoán góp phần làm chỉ số VN-Index tăng đột biến trong thời gian qua. 

Giữ cổ phiếu thua lỗ quá lâu

Hành vi này có thể được giải thích bởi thiên lệch do mâu thuẫn về nhận thức (Cognitive Dissonance Bias). 

Như đã giải thích ở trên, thiên lệch do mâu thuẫn về nhận thức có thể khiến cho nhà đầu tư nắm giữ chứng khoán trong tình trạng thua lỗ thay vì bán đi, bởi vì họ muốn tránh nỗi đau tinh thần khi thừa nhận những gì họ đã kỳ vọng, đã dành công sức, tâm huyết cho nó lại là một quyết định đầu tư sai chỗ. 

Ngoài ra, thiên lệch do ác cảm với thua lỗ cũng khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu thua lỗ quá lâu vì họ hy vọng rằng giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại và họ sẽ được hoà vốn. Sự không hài lòng mà người ta cảm nhận từ việc thua lỗ là lớn hơn sự hài lòng khi kiếm được lợi nhuận. Sự bất cân xứng trong đánh giá này được gọi là thiên lệch do ác cảm với mất mát, thua lỗ. Một cuộc kiểm tra thực nghiệm chỉ ra rằng sự thua lỗ mất mát có trọng số gấp 2 lần lợi ích tăng thêm, có nghĩa là mất 1 đồng buồn phiền gấp 2 lần niềm vui khi nhận được 1 đồng (Kahneman và Tversky, 1991). 

Thiên lệch do ác cảm với mất mát, thua lỗ nói đến thực tế rằng con người có khuynh hướng nhạy cảm đối với việc giảm sự giàu có hơn là gia tăng sự giàu có. Điều này có thể diễn tả như hiện tượng người ta có xu hướng mạo hiểm đầu tư vào sự thua lỗ. Ví dụ nhà đầu tư có xu hướng giữ nguyên vị thế thua lỗ trong sự hy vọng rằng giá cổ phiếu sẽ hồi phục dần. 

Thiên lệch do ác cảm với hối tiếc có thể góp phần giải thích hành vi nắm giữ cổ phiếu thua lỗ quá lâu của nhà đầu tư. Bởi vì họ không thích thừa nhận là họ đã sai lầm, họ không thích phải hối tiếc. 

Bên cạnh đó, cũng có thể giải thích hành vi trên bởi Thiên lệch nguyên trạng, khi trong tình trạng thua lỗ thay vì hiện thực hoá lỗ và tái cơ cấu lại danh mục thì nhà đầu tư không hành động gì cả, vẫn nắm giữ những cổ phiếu đang thua lỗ. Vì họ cho rằng không hành động gì cả cũng là một quyết định đầu tư. 

Ngoài ra, chúng ta có thể đề cập đền sự thiên lệch nguyên trạng (Status quo Bias) như một nguyên nhân khác góp phần khiến cho nhà đầu tư quyết định không bán cổ phiếu đang nắm giữ đi mặc dù giá cổ phiếu này đang sụt giảm một cách đáng kể. Sự thiên lệch nguyên trạng là sự thiên lệch về nhận thức đối với việc giữ nguyên hiện trạng. Con người có xu hướng giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi hành vi đã thiết lập trừ phi có động cơ thúc ép thay đổi. Thiên lệch nguyên trạng khiến nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ những chứng khoán mà họ quen thuộc, mặc dù điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả đầu tư của họ.