Tài chính hành vi trên thị trường chứng khoán


x

Tài chính hành vi là một nhánh của tài chính, ứng dụng những qui luật tâm lý học, xã hội học và nhân loại học vào tài chính, góp phần giải thích những bất thường trên thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Tài chính hành vi bổ sung cho lý thuyết tài chính truyền thống bằng cách giới thiệu khía cạnh hành vi đối với quá trình ra quyết định. Tài chính hành vi được chia làm hai mảng: 

(i) Tài chính hành vi vi mô (BFMI) nghiên cứu các thiên lệch hành vi của nhà đầu tư;

(ii) Tài chính hành vi vĩ mô (BFMA): phát hiện và mô tả các bất thường trong giả thuyết thị trường hiệu quả mà mô hình hành vi có thể giải thích được. 

Trong tài chính hành vi vi mô, người ta lại chia làm hai hướng nghiên cứu: nghiên cứu sự thiên lệch hành vi trong bản thân mỗi cá nhân (Individual Bias), và nghiên cứu sự thiên lệch hành vi do sự tương tác giữa các cá nhân với nhau (Collective Bias), trong đó các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi những nhà đầu tư khác và bắt đầu hành xử như một đám đông xúc cảm (emotional crowd). Tương tự như đối với tài chính truyền thống được xây dựng trên một số nguyên lý và lý thuyết như nguyên lý chênh lệch (Arbitrage Principle) của Miller và Modigliani, nguyên lý danh mục của Markowitz, lý thuyết về định giá tài sản vốn của Sharpe, Lintner, Black và lý thuyết định giá hợp đồng chọn (Option) của Black, Scholes, Merton (Statman, 1999), tài chính hành vi giới thiệu lý thuyết triển vọng (Prospect Thoery) và lý thuyết ra quyết định dựa trên kinh nghiệm chủ quan (Heuristics). Lý thuyết triển vọng (Prospect Theory) 

Lý thuyết lợi ích kỳ vọng (Expect Utility Theory)

Trình bày hành vi lý trí trong điều kiện không chắc chắn và nó được xem là cơ sở cho các lý thuyết kinh tế dựa trên hành vi lý trí hoàn toàn. 

Theo lý thuyết lợi ích kỳ vọng, nhà đầu tư thường ngại rủi ro (risk averse), tương ứng với tính lõm của hàm lợi ích (lợi ích biên giảm dần), mỗi đơn vị tăng thêm của sự giàu có ít giá trị hơn so với đơn vị tăng thêm trước đó. Mặc dù có sự hấp dẫn rõ ràng đối với lý thuyết lợi ích kỳ vọng, nhưng trong vài trường hợp nó dự đoán sai một cách hệ thống hành vi con người. Để phù hợp với các chứng cứ này nhiều lý thuyết đã được đưa ra trong đó chủ yếu là Lý thuyết triển vọng. Lý thuyết triển vọng đề cập đến hàm giá trị (value function). Hàm giá trị của Kahneman và Tversky (1974) khác với Hàm lợi ích ở chỗ hàm giá trị có điểm thắt nút được gọi là điểm tham khảo (referent point) là điểm so sánh của cá nhân (một cách đo mức độ giàu có mục tiêu) được xác định bởi ấn tượng chủ quan. 

Theo lý thuyết lợi ích kỳ vọng thì hàm lợi ích là lõm đi xuống đối với mọi mức độ giàu có. Trái lại, hàm giá trị là hàm lõm đối với lời (tăng sự giàu có) và là hàm lồi đối với lỗ (giảm sự giàu có). Độ dốc của hàm giá trị là dốc lên đối với mọi mức độ giàu có bên dưới điểm tham khảo và dốc xuống đối với mọi mức giàu có bên trên điểm tham khảo. Với mức giàu có bên dưới điểm tham khảo nhà đầu tư là người thích rủi ro (risk seeker), họ đánh cược với mức độ rủi ro cao hơn để có thể đạt được mức giàu có bên trên mức giàu có mục tiêu của họ. Đối với mức giàu có bên trên điểm tham khảo, hàm giá trị dốc xuống giống với lý thuyết lợi ích kỳ vọng, khi đó nhà đầu tư ngại rủi ro. Kahneman và Tversky đánh giá rằng con người thích rủi ro khi đối diện với sự mất mát, thua lỗ. 


Lý thuyết ra quyết định dựa trên kinh nghiệm chủ quan (Heuristics) 

Heuristics được định nghĩa là bất kỳ kỹ thuật giải quyết vấn đề và ra quyết định nào liên quan đến việc sử dụng kiến thức chủ quan, linh cảm, thử và sai, dựa theo kinh nghiệm chủ quan. Do thực tế thông tin ngày càng nhiều, lan truyền ngày càng nhanh hơn, cuộc sống đối với người ra quyết định trong thị trường tài chính trở nên phức tạp hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng việc sử dụng kinh nghiệm như là cách tiếp cận quen thuộc, nhưng thỉnh thoảng nó dẫn đến sai lầm mang tính hệ thống (Fromlet, 2001). 

Lý thuyết ra quyết định dựa trên kinh nghiệm có thể giúp giải thích tại sao thị trường thỉnh thoảng hành xử một cách phi lý, trái ngược với mô hình thị trường thông tin hiệu quả. Hành vi bầy đàn là môt dạng ra quyết định dựa trên kinh nghiệm trong đó các cá nhân tuân theo đa số, thể hiện bằng việc đi theo các quyết định của số đông. 

(Còn tiếp...)