Cần chú trọng đến trẻ em nhiều hơn trong thiết kế cảnh quan
Vui chơi là một phần quan trọng trong cuộc sống của trẻ em và là trải nghiệm trong suốt thời thơ ấu. Trẻ em thích chơi và thích ở bên ngoài, nhưng đối với trẻ em ở trong các đô thị, thì cơ hội để làm điều này đang ngày cảng giảm đi. Khi diện tích dành cho các công viên, vườn cây, thậm chí là một góc sân đang ngày càng eo hẹp do sự tăng dân số và tăng mật độ ở trong đô thị, trẻ em tận dụng hết các không gian ngoài trời để chơi và có thể chơi ở bất cứ đâu, kể cả trên đường phố, vỉa hè,… Nhưng ở đô thị hiện nay vẫn chưa chú trọng nhiều đến sự vui chơi của trẻ em. Khi thiết kế cảnh quan chú trọng vào trẻ em, thì sẽ thu hút được các đối tượng khác trong cộng đồng tham gia, khi trẻ em cảm thấy thích thú, tất nhiên người lớn cũng sẽ thấy vui vẻ; và khi trẻ em cảm thấy an toàn, người lớn cũng sẽ thấy an toàn. Và một không gian công cộng được thiết kế thành công là khi nó an toàn, hấp dẫn, thu hút được tất cả các đối tượng trong xã hội.
Đa số các KTS thiết kế cảnh quan thường không suy nghĩ về thiết kế của họ được cảm nhận và sử dụng bởi trẻ em như thế nào, trừ phi đề tài của họ là một thiết kế cụ thể về sân chơi dành cho trẻ em. Vậy, mức độ quan tâm của các nhà thiết kế đối với trẻ em thể hiện như thế nào? Hiện nay mô hình sân chơi chuyên dụng phổ biến dành cho trẻ em có thể bắt gặp ở rất nhiều nơi trong công viên đều có thiết kế khá giống nhau: Một khoảng sân có giới hạn về diện tích, có nền đất đàn hồi, hay đất cát, có các thiết bị chơi được chế tạo sẵn với các trò chơi truyền thống như xích đu, bập bênh, cầu trượt… Tất nhiên, việc thiết kế những sân chơi dành riêng cho trẻ em là điều cần thiết, nhưng việc lặp lại mô hình này quá nhiều sẽ dẫn tới sự nhàm chán cho trẻ. Trẻ em cần khám phá và kích thích trí tưởng tượng, điều này thực sự quan trọng trong quá trình phát triển trí não của trẻ, trẻ học thông qua chơi. Ngoài ra, việc để trẻ tự xử lí rủi ro sẽ tạo cơ hội để trẻ tập đối phó với các khó khăn trong cuộc sống, tất nhiên những rủi ro này cần được nghiên cứu để đặt trong tầm kiểm soát. Thế nên cần có sự sáng tạo hơn trong việc thiết kế các trò chơi đối với những sân chơi như thế này, và đây sẽ là một vấn đề thách thức không chỉ đối với các nhà thiết kế mà còn với cả các nhà cung cấp trò chơi, không chỉ là cung cấp các cơ hội chơi tốt nhất có thể, tạo ra không gian chơi thu hút, mà còn phải thúc đẩy trí tưởng tượng của trẻ và cung cấp những không gian chơi theo những cách mới, thú vị và sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, với những sân chơi chuyên dụng, sự tương tác giữa người lớn và trẻ em là rất ít, vì những thiết kế này không dành cho người lớn. Chúng ta không nên giới hạn trẻ vào những không gian chơi dành riêng cho chúng, mà trẻ em nên được tạo cơ hội để được chơi ở bất cứ đâu ngoài trời. Và cần tạo cơ hội để trẻ em được chơi với bố mẹ, ông bà,… Với những thiết kế cảnh quan như quảng trường, công viên, hay bất cứ một không gian công cộng ngoài trời dành cho cộng đồng nào, chúng ta không chỉ cần một thiết kế đẹp, hữu dụng, mà còn phải là một thiết kế có suy nghĩ đến sự tham gia của trẻ em trong đó. Theo ý kiến cá nhân của tác giả, có 3 yếu tố quan trọng có tác động lớn tới trẻ em cần chú ý khi thiết kế. Đó là: Nước, địa hình, cây xanh. Trẻ em thích thú với sự thay đổi địa hình, thích chơi với nước và thích khám phá tự nhiên. Khi các nhà thiết kế có sự thay đổi về quan điểm, thực sự đặt suy nghĩ và cảm nhận của trẻ em vào trong những thiết kế của mình, thì đó chắc chắn sẽ là một thiết kế mang tính nhân văn.
1. Uptown Circle ở thị trấn Normal ở bang Illinos, Mỹ được thiết kế bởi Hoerr Schaudt Landscape Architects, đây là một vòng tròn giao thông được thiết kế để giải quyết cho một giao lộ kém liên kết. Các hồ nước là một phần của hệ thống xử lí nước mưa bền vững của thị trấn, rất hữu hình, vừa là nơi để trẻ em có thể vui chơi vừa mang tính giáo dục bằng cách sử dụng công việc làm sạch nước như một tính năng thẩm mỹ chính của thiết kế. The Circle là một trung tâm của đa dạng các hoạt động xã hội: Trẻ em vui chơi dưới nước, nơi diễn ra lễ hội nghệ thuật và festival “ngô”, ban nhạc trường đại học biểu diễn, mọi người ngồi chờ tàu đến ga, hoặc dừng lại để ăn bữa trưa. Thiết kế tuy đơn giản nhưng hiệu quả và đã đạt được nhiều giài thưởng quốc gia của Hoa Kỳ.
2. Roombeek The Brook được thiết kế bởi Buro Sant en Co Landscape Architects (2010). Thiết kế này cung cấp các tuyến đường thay thế cho người đi bộ dọc theo Roombeek, một con phố thương mại ở Enschede, Hà Lan. Dự án đã khôi phục một dòng suối nhỏ mà trước đây đang chảy dưới lòng đất, đưa nó lên bề mặt và thiết kế một mô hình bước đệm cho người đi bộ nhảy qua. Không chỉ là một hồ nước để ngắm cảnh, sự sáng tạo đã tạo ra sự tương tác và kích thích nhiều hoạt động vui chơi khám phá, hồ nước cạn cũng an toàn với trẻ em và thích hợp cho cả người lớn.
3. Công viên Thế kỷ Olympic ở Trung tâm Atlanta, Georgia ban đầu được xây dựng cho Thế vận hội Olympic 1996. Vòi nước phun ở chính giữa công viên, tạo nên một thiết kế cảnh quan rất đẹp, phù hợp với khu trung tâm, thu hút được sự tham gia của trẻ em và người lớn, được rất nhiều nơi áp dụng.
Kết luận
Trẻ em là những người dân thực sự của tương lai. Việc quan tâm đến trẻ em và nhu cầu vui chơi của trẻ, sẽ giúp cho sự phát triển của trẻ được hoàn thiện, và đó cũng sẽ là cách mà những đứa trẻ khi lớn lên sẽ đối xử với thế hệ sau của chúng. Vậy nên, cho dù là khi thiết kế sân chơi chuyên dụng cho trẻ hay là những thiết kế quảng trường, đường phố, công viên dành chung cho cộng đồng, xin hãy chú trọng đến suy nghĩ và cảm nhận của trẻ em.
ThS.KTS Lê Thị Hoàng Nhi
ĐH Duy Tân, Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2019)