Kiến trúc Kí sinh Parasitic Architecture


Bài viết giới thiệu sơ lược về loại hình kiến trúc kí sinh, đặc điểm của nó và các nghiên cứu của KTS nổi tiếng về lĩnh vực này. Ngoài ra, bài viết còn đề cập đến các ứng dụng của kiến trúc kí sinh trong thiết kế kiến trúc và thiết kế đô thị. Những ứng dụng này rất hữu ích và ngày càng phổ biến trong xu hướng phát triển không gian đô thị những năm gần đây.

Khái niệm về kiến trúc kí sinh/ Introduction of parasitc architecture

Năm 1971, KTS người Pháp Jean-Louis Chanéac (1931-1993) đã lắp đặt 1 phòng ngủ kí sinh trên mặt tiền khối căn hộ chung cư hiện đại tại Geneva, Thụy Sĩ. “Tế bào kí sinh” này tương phản hoàn toàn với vật chủ là công trình kiến trúc phía sau về mọi mặt, nhưng lại đem lại một trải nghiệm mới thú vị. Với thử nghiệm này, Chanéac muốn tạo ra một ngôn ngữ kiến trúc mới với giải pháp kiến trúc tự phát, tạm thời và thích nghi.

Khái niệm kiến trúc ký sinh gắn liền với tên tuổi KTS người Đức OM Ungers và gần đây là KTS người Mỹ KTS Lebbus Wood (1940-2012) và bạn thân của ông là KTS Steven Holl. Xu hướng kiến trúc này đang ngày càng được áp dụng phổ biến với rất nhiều các KTS khác trên thế giới, đồng thời được đưa vào chương trình học của sinh viên các trường ĐH Kiến trúc ở Mỹ và châu Âu.

Theo định nghĩa của “Parasitic architecture”: “Một kí sinh trùng là một vật thể đang phát triển, được nuôi sống và được bảo vệ bởi vật chủ trong khi kí sinh trùng đó không hề hỗ trợ bất cứ điều gì cho sự sống của vật chủ. Do đó, kiến trúc kí sinh có thể được định nghĩa như một hình thức kiến trúc thích nghi, xuất hiện nhanh chóng, không ổn định dựa trên mối quan hệ với vật chủ để bóc lột năng lượng nhằm hoàn thiện bản thân”.

Chúng ta cũng có thể hiểu khái niệm này đơn giản như sau: Kiến trúc kí sinh là một dạng kiến trúc khá đặc biệt, dùng để chỉ phần kiến trúc được thêm vào một hoặc nhiều vật chủ (công trình kiến trúc có sẵn hoặc là các đối tượng khác). Kiến trúc kí sinh dùng để giải quyết vấn đề mở rộng không gian cho 1 công trình cũ hoặc tạo ra một không gian mới cho đô thị.

Thực ra loại hình này đã xuất hiện rất nhiều trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng khi chủ đầu tư muốn cải tạo mở rộng công trình mà không muốn tác động quá nhiều đến công trình hiện hữu. Phần kiến trúc được mở rộng hoặc thêm vào phải hài hòa về mặt thẩm mỹ và hợp lí về mặt chức năng đối với công trình hiện tại. Kiến trúc kí sinh chính là giải pháp hoàn hảo vì sự khéo léo hòa hợp mà không phá vỡ cấu trúc của cái cũ. Phần kí sinh này đồng thời cũng mang lại hơi thở mới cho những công trình cũ, làm cho nó trở hên hấp dẫn và thú vị hơn.

Đối với đô thị, dân số ngày càng tăng, các nhu cầu ngày càng cao, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp cải tạo và mở rộng không gian đô thị phù hợp với tính hình mới? Xu hướng kiến trúc kí sinh là một trong những giải pháp hợp lí nhất khi con người vẫn muốn lưu giữ quá khứ mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của tương lai.

Khả năng tiềm ẩn của sự tiếp xúc giữa vật kí sinh và vật chủ tập trung ở 3 yếu tố: Khả năng thích nghi với vật chủ; sự hòa hợp với môi trường xung quanh; tính không ổn định, hay thay đổi. Đây chính là những tiềm năng để có thể phát huy sự sáng tạo không giới hạn trong thiết kế kiến trúc.

Kiến trúc kí sinh gắn liền với sự phát triển của đô thị: Hệ quả quá trình đô thị hóa.

Kiến trúc kí sinh được xem như là 1 sản phẩm của quá trình tiến hóa kiến trúc gắn liền với sự phát triển của đô thị, từ vi mô đến vĩ mô. Rất nhiều KTS đã cố gắng tìm tòi một ngôn ngữ kiến trúc mới đã đi đến cùng 1 giải pháp kiến trúc – đó là Kiến trúc kí sinh.

Ở đây, xin đặc biệt trích dẫn quá trình nghiên cứu của Lebbus Wood – KTS nổi tiếng với nhiều cống hiến cho giới học thuật, xuất phát từ sự quan sát quá trình thay đổi của xã hội và đô thị thời kì trong và sau chiến tranh thế giới thứ 2.

Lebbus Wood, sinh ra tại Michigan năm 1940, đã từng làm việc cho Eero Saarinen vào những năm 1960, nhưng đã trở nên nổi tiếng bởi những nghiên cứu của mình, trong đó ông đã khám phá ra loại hình kiến trúc mới “cho chúng ta cơ hội để trải nghiệm một không gian mà trước giờ chúng ta chưa từng thấy” thông qua một tập hợp các bản vẽ và mô hình phức tạp.

Theo tài liệu nghiên cứu của Woods, trong thời kì chiến tranh lạnh ở Berlin, cư dân của 2 nửa Đông và Tây đã cùng nhau xây dựng một thành phố mới – một thành phố ngầm ẩn dưới U-Bahn. Người ta gọi đây là nơi sinh sống của những nhà thơ và những tên tội phạm, tùy theo quan điểm của người nhìn nhận, nhưng đây mới là nơi sự thống nhất của nước Đức thực sự bắt đầu. Sau đó, trong dự án 1991 – Berlin Free Zone, Lebbus Woods đã cho chúng ta thấy các bản vẽ của ông về “Free Spaces”- một cấu trúc không rõ ràng được xây dựng trong 1 tòa nhà hiện có. Theo đúng nghĩa đen, đó là một thành phố trong một thành phố, một không gian sống khác tồn tại trong 1 không gian có sẵn. Mặc dù đây là một hình thức hoàn toàn mới và bất ngờ, nhưng lại là một ý tưởng khá hiện đại. Woods tin rằng kiến trúc thực sự có thể thay đổi được cuộc sống cách sống của chúng ta… Woods cho rằng: “Kiến trúc nên được đánh giá không chỉ bởi vấn đề mà nó giải quyết, mà còn vì vấn đề mà nó tạo ra”.

“Berlin Free-Zone 3-2,” đề xuất của Lebbus Woods

Những thiết kế của ông thường đặt tại các thành phố bị ảnh hưởng bởi thiên tai – từ Sarajevo đến Zagreb, từ Havana đến New York- và thường thể hiện dưới dạng 1 phép “ẩn dụ” – là một giải pháp xử lý các “vết thương”trên các tòa nhà bị gây ra bởi chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên.

 

Injection Parasite, [Zagreb Free Zone, 1991] by Lebbeus Woods

Năm 2011, Lebbus Woods được mời thiết kế Light Pavilion trong tòa nhà Thành Đô Plaza (Chengdu Plaza) do bạn thân của ông là Steven Holl thiết kế. Đây có thể xem như là dự án thực tế cuối cùng và nổi tiếng nhất của Woods trước khi ông qua đời vào năm 2012.

 

Liệu Kiến trúc kí sinh có thể giải quyết được vấn đề của đô thị hóa?

Quá trình phát triển của đô thị dẫn tới nhiều hệ quả: Dân số gia tăng kéo theo nhiều vấn đề xã hội. Thiếu không gian sống, môi trường thay đổi tác động lớn tới cư dân đô thị. Những tòa nhà cao tầng xuất hiện dày đặc trong khu trung tâm, bên cạnh đó là những khu ổ chuột nhếch nhác, những người vô gia cư xuất hiện ngày càng nhiều, con người chen chúc và ngày càng nghẹt thở trong đô thị.

 

Light Pavilion trong Thành Đô Plaza, Trung Quốc, Lebbus Woods hợp tác với Steven Holls, 2011

Trong “Sự tương tác giữa môi trường đô thị và những người vô gia cư: “Quan sát và phản hồi” của Jeffrey Charles Stahl, ở Mỹ, người vô gia cư đã xuất hiện nhiều thập kỉ trước, và sẽ còn tiếp tục trong vài thập kỉ tới. Công việc của các nhà thiết kế là tìm ra giải pháp nhà ở phù hợp với văn hóa và lối sống của cuộc sống đương đại.

Tác giả: Michael Rakowitz, các lều parasite dành cho người vô gia cư, được sưởi ấm bằng năng lượng dư thừa từ các tòa nhà lớn.

Theo O.M. Ungers: “Kiến trúc kí sinh là một thành phần không chính thức, xuất hiện ngoài ý muốn”. Đối với đô thị, phần kí sinh này là một hệ thống và phát triển liên tục cần được kiểm soát. Cũng giống như những hệ quả không mong muốn của đô thị, chúng ta cố gắng xóa bỏ hay chấp nhận và tìm cách giải quyết? Kiến trúc kí sinh cũng cần được nhìn nhận và xử lí như vậy.

Những parasite làm nơi trú ngụ cho gấu trúc
Susana Hertrich, Berlin Wild Life: Parastic Architecture for Raccoons

Các parasite cabin nhà ở:
Nghệ sĩ Mark Reigelman đã thiết kế một nơi trú ẩn ký sinh lãng mạn tuyệt vời gắn với tường bên của Hotel des Arts ở San Francisco.

 

Ứng dụng đa dạng của kiến trúc kí sinh

Từ những kiến trúc lớn nhỏ đến những vật dụng tiện nghi đô thị đều có thể tiến hóa về cấu trúc không gian và hình khối bằng cách phát triển loại hình kí sinh. Không nên lãng phí những không gian còn trống trong đô thị, đó là tiềm năng cho sự sáng tạo kiến trúc, đồng thời đáp ứng sự thiếu hụt không gian sống trong đô thị. Không gian trên tầng thượng các tòa nhà, khoảng trống trong các ngõ hẻm, khoảng hở giữa 2 công trình kiến trúc, dưới chân cầu,.. thậm chí đến những không gian công năng sẵn có trong các tòa nhà đều có thể khai thác, mở rộng, biến đổi để tạo nên những không gian mới hữu ích.

Chúng ta hãy cùng xem sự đa dạng trong ứng dụng của kiến trúc kí sinh trên thế giới:

  • Văn phòng thiết kế Kiến trúc Zabor Architects ở Nga kí sinh giữa 2 tòa nhà nhiều tầng 2 bên. Đây là một cách tận dụng không gian hữu hiệu nhưng không làm ảnh hưởng giao thông mặt đất. Không phá vỡ cái cũ đồng thời còn giải quyết được vấn đề thiếu không gian trong đô thị, Văn phòng kí sinh dùng 2 mảng tường 2 công trình 2 bên làm điểm tựa để tồn tại, mặc dù không sử dụng nguồn năng lượng của vật chủ. Bản thân công trình như 1 điểm nhấn nghệ thuật trên tuyến phố.

Những khoảng trống giữa 2 công trình kiến trúc
  • Ý tưởng của Stephane Malka, Self Defense, 2009 (architectural proposal): Khai thác không gian bên trong La Defense, xây dựng những modul nhà ở đầy màu sắc, với giá phải chăng, sẽ là nơi trú ẩn trong tương lai của thành phố tình yêu Paris.

Những khoảng trống bên trong bức tường La Defense
  • “Được thôi thúc bởi mong muốn tạo ra một kịch bản xã hội mới, hệ thống PAR là một tổ hợp modul phức tạp cung cấp một không gian sống mới theo phong cách sống thách thức, bằng cách đặt bản thân nó trong tình trạng thường trực của sự nổi dậy. Các modul ký sinh kiến trúc này được kết nối với nhau bởi sức sống của chính nó – sức sống của một cộng đồng tự phát.” (theo Dezeen.com).

Phía dưới đường cao tốc cũ ở Ý và dưới chân cầu Tranebergsbron, Stockholm, Thụy Điển
  • Ja Studio Inc với ý tưởng xây dựng một thành phố kí sinh trên đường cao tốc cũ Salerno-Reggio Calabria hiện đang ngừng hoạt động để chờ đợi việc xây dựng một tuyến cao tốc mới và nhanh hơn. Đây là phương án trong cuộc thi Solar part South do Cục Quản lí lãnh thổ và quy hoạch thành phố đề ra.

Thay lời kết

Hiện tại ở Việt Nam, loại hình kiến trúc kí sinh vẫn chưa được biết đến nhiều, trong khi trên thế giới đã nghiên cứu và áp dụng từ rất lâu. Kiến trúc kí sinh là 1 trong những đồ án đầu tiên của sinh viên năm nhất ngành kiến trúc công trình ở Mỹ. Sinh viên học cách xây dựng 1 thể loại công trình nhỏ gắn với 1 công trình lớn sẵn có, khai thác tối đa được sự sáng tạo, tôn trọng môi trường có sẵn, và nâng cao sự thích nghi và yếu tố hòa hợp.
Vì tính khả thi cao, sự sáng tạo mới lạ, phù hợp trong mọi môi trường đô thị, tác giả mong muốn loại hình kiến trúc này được biết đến và được nghiên cứu nhiều hơn ở Việt Nam để có những áp dụng hiệu quả trong thiết kế kiến trúc và thiết kế đô thị.

Tài liệu tham khảo
1. Tài liệu giảng dạy của Khoa Kiến trúc trường ĐH Cal Poly Obispo, California, USA
2. Parasitic-architecture.webs.com; Dezeen.com
3. Interactions Between The Urban Environment and “The Homeless”: Observations and Responses. A Thesis Presented for the Masters of Architecture Degree of Jeffrey Charles Stahl, University of Tennessee, Knoxville. 12/4/2012
4. Essay Parasitic Architecture of Merel Pit, Karel Steller, Gerjan Streng
5. Stephanemalka.com; Inhabitat.com; LebbusWoods.com

ThS.KTS Lê Thị Hoàng Nhi
Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2016)