Từ kiến trúc chậm đến thành phố chậm


Thế giới đang biến đổi một cách nhanh chóng, và thế kỷ 21 luôn được gắn liền với khái niệm “tốc độ”, từ thức ăn nhanh đến thời trang nhanh, công nghiệp hóa nhanh chóng, và sản xuất hàng loạt. Các công trình cao tầng mọc lên vùn vụt, các đô thị biến đổi một cách nhanh chóng. Nhiều người cảm thấy rằng ngủ một giấc dậy, đã thấy mình lạc hậu. Con người dường như đang bị mắc kẹt trong guồng quay của thời gian, quần quật làm việc, đến cả ăn uống nghỉ ngơi cũng vội vã. Các tour du lịch nhanh giúp người ta có thể đi hết các điểm du lịch của một thành phố, một quốc gia chỉ trong vài ngày. Con người phải chăng đang dần trở nên quá tham lam, muốn đạt được mọi thứ một cách nhanh nhất, muốn hưởng thụ nhiều thứ trong thời gian ngắn nhất? – Cái giá phải trả cho việc phát triển nhanh chóng là sự mất cân bằng, ô nhiễm môi trường, suy giảm sức khỏe và sự mai một về văn hóa và bản sắc, thậm chí là con người đang dần lãng quên chính bản thân mình. Nhiều người cảm thấy nghẹt thở và đang tìm kiếm một liều thuốc giải độc cho sự xô bồ, ào ạt của cuộc sống hiện đại.

KTS.Anupama Kundoo: Nhà tường ở Auroville, Ấn Độ, 2000 (Tác giả bức ảnh: Javier Callejas). KTS. Kundoo dựa trên nền tảng văn hóa Ấn Độ sử dụng các các vật liệu địa phương, với ý tưởng “cập nhật di sản lịch sử”, theo phong trào Kiến trúc chậm

“Nhanh và chậm không chỉ mô tả tốc độ thay đổi, chúng còn mang ý nghĩa khác là một cách sống, hoặc một triết lý sống.” (Carl Honoré, In praise of slowness , 2010)

Nhiều người đã tìm đến “sống chậm”, một trào lưu mà hiện nay đã không còn quá xa lạ. Phong trào Slow – Tìm kiếm sự chậm lại là một sự kháng cự thầm lặng đối với những áp lực từ nhịp sống nhanh vội của cuộc sống hiện đại, một sự thay đổi về văn hóa để làm chậm nhịp sống và làm sống lại những thú vui hưởng thụ của sự tồn tại bền vững và lành mạnh. Sống chậm – chuyển động chậm – sự chậm lại giúp con người trở nên tĩnh lại và tìm hiểu bản thân kĩ lưỡng hơn, để biết mình muốn gì và cần gì. Hệ tư tưởng này sau đó đã lan rộng đến các khía cạnh khác nhau của văn hóa và cuộc sống như giáo dục, thời trang, điện ảnh, y học, du lịch, thành phố và kiến trúc.

Sự xuất hiện đầu tiên của phong trào này là “Thực phẩm chậm” (Slow food) được khởi xướng bởi Carlo Petrini ở Ý vào năm 1986 nhằm phản đối các cửa hàng thức ăn nhanh của McDonald’s của Mỹ ở Rome. Trào lưu “Thực phẩm chậm” cũng đã được mở rộng trên toàn thế giới. Cho dù không thể phủ nhận dược sự tiện lợi của Fast food – thức ăn nhanh, cũng là một xu thế tất yếu của quá trình toàn cầu hóa, nhưng “thực phẩm chậm” cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn ẩm thực truyền thống, từ đó khuyến khích trồng trọt và nuôi trồng các loại hoa màu, hạt, gia cầm có nguồn gốc địa phương. Mục tiêu của phong trào này là thực phẩm bền vững và quảng bá các hình thức kinh doanh địa phương nhằm chống lại xu hướng nông nghiệp toàn cầu hóa.

Kiến trúc chậm cũng là thuật ngữ xuất hiện từ phong trào thực phẩm chậm. Về cơ bản, khái niệm này nghĩa là thúc đẩy sự thiết kế các tòa nhà có chất lượng cao nhất, có cách tiếp cận thiết kế lành mạnh và toàn diện, được làm bằng vật liệu sạch, bền vững và được xây dựng bằng người lao động giàu kinh nghiệm. Kiến trúc chậm quan tâm đến bền vững xã hội, văn hóa và môi trường. Kiến trúc chậm tôn vinh việc sử dụng các vật liệu bền vững phù hợp với yếu tố truyền thống địa phương, có kết cấu bền vững và được thiết kế hài hòa với địa điểm và cảnh quan. Cũng giống như Thực phẩm chậm, kiến trúc chậm có thể được xác định bởi ba nguyên tắc: Clean – Fair – Good (Sạch – Công bằng – Tốt). Sạch – bền vững cho môi trường; Công bằng – bình đẳng cho cá nhân và cộng đồng; và Tốt, tiêu chí này tuy khó đánh giá hơn, nhưng có thể hiểu là chất lượng cao – cả về vật liệu và sự trải nghiệm không gian.

Các trung tâm mua sắm hào nhoáng ở Mỹ (Nguồn : Internet)

Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà các thiết kế được tăng tốc và kiến trúc cũng phải nhanh. Nhiều công trình có chất lượng kém được thiết kế nhanh, thi công nhanh, hàng loạt, sử dụng vật liệu rẻ tiền, và dùng nhiều hóa chất. Vì nhu cầu của con người là liên tục, cấp bách, con người muốn có được sự hài lòng nhanh chóng, nên không còn chỗ cho các không gian mang tính trải nghiệm, suy ngẫm, và sâu sắc. Chúng ta đang dần trở nên hời hợt trong cách sống và không gian kiến trúc cũng dần mất tính nhân văn và thiếu sự kết nối cộng đồng. Đây là một phần của bức tranh hoàn cảnh thực tiễn của kiến trúc và xây dựng đương đại. Khái niệm không gian rác, kiến trúc rác đã được KTS. Rem Koolhaas đưa ra lần đầu tiên trong bài tiểu luận “Không gian rác” (“Junkspace”) trong The Harvard Design School Guide to Shopping (2001). Đây là một lời than thở về cái chết của kiến trúc, là lời phê bình gay gắt, đồng thời cũng là một lời tiên tri, một hồi chuông cảnh tỉnh cho kiến trúc và nhân loại. Không gian rác, kiến trúc rác ban đầu xuất hiện thì rất thú vị nhưng rồi nhanh chóng khiến chúng ta cảm thấy trống rỗng, lạc lõng và tách rời. Cũng giống như thức ăn nhanh (fast food) có vẻ rất tiện lợi nhưng dần sẽ trở nên nhàm chán. “Thật là sai lầm khi phát minh ra kiến trúc hiện đại cho thế kỷ 20. Kiến trúc đã biến mất vào thế kỷ 20” – Rem Koolhaas – Ông cũng nói rằng kiến trúc “rác” là sản phẩm của các công ty đầu cơ bất động sản, hoặc chế độ độc tài chính trị,… họ kiểm soát tất cả thế giới này. Các trung tâm mua sắm hào nhoáng, sòng bạc, vũ trường, sân golf, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…mọc lên rất nhiều và nhanh chóng ở đô thị và vùng ngoại ô, thỏa mãn các nhu cầu của con người với nhịp sống hiện đại. Cùng với sự tôn sùng Chủ nghĩa Tự do mới (Neoliberalism), sùng bái tiền bạc, tiêu dùng và giải trí, con người muốn làm gì thì làm. Cũng giống như các cuộc phẫu thuật thẩm mỹ đầy chất độn và hóa chất, ban đầu sẽ làm cho bạn đẹp lên nhưng theo thời gian sẽ bị biến dạng và không cách nào cứu chữa.

Kiến trúc chậm đòi hỏi phải đánh giá lại các hoạt động thiết kế kiến trúc – Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh một cách bài bản và có chủ ý? Không để bị cuốn theo thị trường và dần bị sai khiến và mất quyền kiểm soát, trở thành nô lệ cho tiền bạc và thời gian. KTS thông qua hoạt động thiết kế của mình, sẽ luôn phải tự trả lời câu hỏi làm thế nào không gian kiến trúc có thể phản ánh được chất lượng cuộc sống của con người? Cách tiếp cận này sẽ mở đường cho một tương lai bền vững. Bằng cách này chúng ta mới thực sự đi nhanh hơn, tăng trưởng nhanh hơn và bền vững. Và ở thế kỉ 21 này, chúng ta vẫn còn đang loay hoay tìm lời giải đáp, để thực sự làm cho kiến trúc hồi sinh.

Không gian chậm trong lòng Paris, Pháp – Place Sainte-Catherine ở Paris

“Thành phố chậm” (Cittaslow) là một phong trào được thành lập tại Ý bởi Greve Paolo Saturnini. Là Thị trưởng ở Chianti từ năm 1990 đến năm 2004, ông lấy cảm hứng từ Carlo Petrini, người khởi xướng phong trào Thức ăn chậm – Slow Food. Kể từ đó cho tới nay đã có khoảng 300 Cittaslow ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Mục tiêu chính của phong trào Thành phố chậm là:

  • Làm cho cuộc sống mỗi người dân đô thị trở nên tốt hơn;
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống tại các thành phố;
  • Chống lại sự đồng nhất hóa và toàn cầu hóa của các thành phố trên thế giới;
  • Bảo vệ môi trường;
  • Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và tính độc đáo của từng thành phố;
  • Tạo nguồn cảm hứng cho một lối sống lành mạnh hơn.

Tại Hoa Kỳ, một phong trào tương tự phát triển độc lập với Cittaslow, được gọi là Chủ nghĩa Đô thị mới, thúc đẩy sự phát triển của các khu phố có thể đi bộ với nhiều không gian công cộng, vỉa hè rộng, rợp bóng cây. Cả hai phong trào này đều hướng đến việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị, hướng tới việc hồi sinh các cộng đồng địa phương và khu vực đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng sự tương tác với bạn bè và hàng xóm nhưng không có nghĩa là từ bỏ các tiện nghi của khoa học kĩ thuật. Phong trào này phản đối sự xuất hiện quá nhiều của ô tô vì sự ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Quan điểm Thành phố chậm là càng có ít xe hơi, sẽ có nhiều người đi bộ hơn, có nhiều không gian dành cho các băng ghế, xe đạp, khu vui chơi, công viên. Các Thành phố chậm sẽ thúc đẩy một cộng đồng có kết nối mạnh mẽ, khuyến khích mọi người thư giãn và sống chậm lại. Để làm được điều này thì các phương tiện giao thông công cộng (tàu điện, xe bus,..) phải phát triển để hạn chế tối đa các phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy. Điều này cũng có nghĩa là các thành tựu của khoa học kĩ thuật phải được sử dụng đúng chỗ, đúng mục đích, cũng có nghĩa là hiện đại phải đi đôi với bền vững. Châu Âu thành công hơn Hoa Kỳ ở khía cạnh này vì Hoa Kỳ giao thông công cộng kém hơn, đường bộ cao tốc trên cao và các làn đường lớn lại khuyến khích người dân sử dụng ô tô nhiều hơn.

Kết luận

Không thể phủ nhận rằng toàn cầu hóa đem lại cho chúng ta sự phát triển rực rỡ về kinh tế – thương mại, gắn kết các đô thị và quốc gia trên thế giới lại với nhau. Nhưng mặt trái của nó là làm cho mọi thứ trở nên đồng nhất với các cửa hàng nhượng quyền thương mại và các công trình giống nhau được xây dựng hàng loạt …Chính vì vậy, chúng ta cần có Slow food và Slow Architecture, Slow Cities… Vì Thành phố chậm tôn vinh tính cách độc đáo của mỗi nơi, và giữ gìn văn hóa và bản sắc. Và con người cần những trải nghiệm chân thật, sâu sắc và cộng đồng cần có sự gắn kết nhiều hơn. Cuối cùng tôi xin trích dẫn một câu nói rất nổi tiếng của Lão Tử: “Thiên nhiên không hề vội vã nhưng mọi thứ đều hoàn thành”. Đúng vậy, chúng ta không cần đi quá nhanh vì đôi khi chậm lại lại là cách nhanh hơn để phát triển bền vững.

ThS.KTS. Lê Thị Hoàng Nhi
Khoa Đào tạo Quốc tế – Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2023)